Các mô hình điện toán đám mây (Cloud Computing) và nền tảng cung cấp chúng
Thịnh Văn Hạnh 31/05/2023 1170 Lượt xem Chia sẻ bài viết
Ở bài viết trước, BKNS đã giới thiệu đến bạn mô hình Cloud Computing là gì. Với bài này, chúng tôi giới thiệu đến bạn phân loại các mô hình điện toán đám mây, và các nền tảng cung cấp chúng. Cùng tìm hiểu cụ thể về từng loại ngay dưới đây nhé.
Tóm Tắt Bài Viết
Phân loại mô hình điện toán đám mây
Cloud Computing có nhiều loại phù hợp với từng nhu cầu khác nhau. Dựa vào nhu cầu của người sử dụng, các nhà phát triển phân loại ra các mô hình, loại hình dịch vụ khác nhau.
Dưới đây sẽ là những loại hình điện toán đám mây phổ biến nhất.
Public Cloud
Public Cloud là một dịch vụ được cung cấp bởi nhà cung cấp cho phép mọi người trên internet sử dụng tài nguyên của họ. Dịch vụ này bao gồm các ứng dụng SaaS, máy ảo (virtual machine), phần cứng điện toán và thậm chí các nền tảng phát triển hoàn chỉnh. Người dùng có thể trả phí theo chu kỳ để truy cập dịch vụ hoặc có thể sử dụng miễn phí.
Các nhà cung cấp Public Cloud sẽ sở hữu, quản lý và chịu trách nhiệm về datacenter, phần cứng và cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, Public Cloud thường có kết nối mạng băng thông cao để đảm bảo hiệu suất và khả năng truy cập tốt nhất đối với dữ liệu cho người dùng.
>> Xem thêm: Dịch vụ thuê Cloud Server giá rẻ tại BKNS
Môi trường Public Cloud thuộc vào kiểu multi-tenant (nhiều người sử dụng), tức là cơ sở hạ tầng datacenter sẽ được dùng chung bởi mọi người dùng dịch vụ Public Cloud. Đối với những dịch vụ Public Cloud hàng đầu thế giới như AWS, Google Cloud, IBM Cloud, Microsoft Azure hay Oracle Cloud thì số lượng khách hàng có thể lên đến hàng triệu.
Thị trường Public Cloud đang tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây và được dự báo là vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh. Gartner đã dự báo rằng tổng doanh thu từ Public Cloud trên toàn thế giới có thể vượt mức 330 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Ưu điểm | Nhược điểm |
---|---|
Phục vụ nhiều đối tượng người dùng, không bị giới hạn về không gian, thời gian. | Tính an toàn không đảm bảo. |
Public Cloud có chi phí đầu tư thấp, tiết kiệm cho hệ thống máy chủ, giảm gánh nặng quản lý, cơ sở hạ tầng. | Khó kiểm soát dữ liệu. |
Private Cloud
Private Cloud là một môi trường trường mà mọi cơ sở hạ tầng Cloud và tài nguyên Cloud Computer đều được dành riêng cho một khách hàng duy nhất. Do đó nó mang tính bảo mật cao hơn rất nhiều so với Public Cloud.
Private cloud kết hợp nhiều lợi ích khác nhau của Cloud Technology (về khả năng mở rộng, linh hoạt, dễ dàng cung cấp dịch vụ) và một số đặc điểm nổi bật của cơ sở hạ tầng tại chỗ (quản lý quyền truy cập, bảo mật, tùy chỉnh tài nguyên,…).
Một Private Cloud thường được lưu trữ ngay tại datacenter của khách hàng. Tất nhiên nó vẫn hoàn toàn có thể được lưu trữ trên một cơ sở hạ tầng độc lập, riêng biệt của nhà cung cấp dịch vụ cloud.
Nhiều công ty thích sử dụng dịch vụ Private Cloud hơn so với Public Cloud bởi nó cho phép làm việc với những tài liệu mật, dữ liệu, cá nhân,… Và đặc biệt là có thể xây dựng kiến trúc cloud dựa trên một số nguyên tắc riêng. Do đó, các tổ chức có thể linh hoạt hơn trong việc di chuyển workload lên Public Cloud hoặc triển khai bên trong một môi trường Hybrid Cloud khác.
Ưu điểm | Nhược điểm |
---|---|
Chủ động trong việc sử dụng. | Gặp khó khăn trong việc triển khai công nghệ. |
Bảo mật tốt hơn. | Tốn thêm chi phí để xây dựng, duy trì hệ thống. |
Dễ dàng quản lý được dữ liệu. | Chỉ có thể phục vụ trong nội bộ doanh nghiệp. Những người dùng khác bên ngoài không thể tiếp cận và sử dụng. |
Hybrid Cloud
Đây là một sự cân bằng giữa hai môi trường Public và Private cloud. Về cơ bản, thì Hybrid Cloud kết nối Private Cloud và Public Cloud của tổ chức thành một cơ sở hạ tầng duy nhất. Cơ sở này sau đó có thể được dùng để khởi chạy những ứng dụng và workload của tổ chức.
Mục đích sử dụng Hybrid Cloud là để kết hợp tài nguyên của Public và Private Cloud. Khi đó, các doanh nghiệp có thể linh hoạt hơn trong việc lựa chọn môi trường tối ưu đối với từng ứng dụng nhất định. Từ đó có thể đạt được các mục tiêu hiệu quả và tốn ít chi phí hơn so với sử dụng riêng Public hoặc Private Cloud.
Ưu điểm | Nhược điểm |
---|---|
Đảm bảo được an toàn cho dữ liệu quan trọng. | Gặp khó khăn khi triển khai và quản lý hệ thống |
Sử dụng được nhiều dịch vụ Cloud Computing mà không bị giới hạn | Tốn thêm nhiều chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng |
Multicloud và Hybrid Multicloud
Multicloud là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc sử dụng hai hoặc nhiều cloud từ các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Môi trường Multicloud không quá phức tạp trong thực tế.
Ví dụ, bạn có thể sử dụng dịch vụ email SaaS từ nhà cung cấp A và dịch vụ chỉnh sửa ảnh SaaS từ nhà cung cấp B. Trong trường hợp này, bạn đang triển khai một mô hình Multicloud.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, Multicloud có thể phức tạp hơn khi họ sử dụng nhiều dịch vụ cloud (SaaS, PaaS, IaaS) từ hai hoặc nhiều nhà cung cấp dịch vụ cloud khác nhau. Thực tế, khoảng 85% các tổ chức hiện nay đang triển khai mô hình Multicloud.
Hybrid Multicloud là thuật ngữ chỉ việc sử dụng hai hoặc nhiều Public Cloud cùng với một môi trường Private Cloud. Sử dụng Multicloud có thể giúp doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều cloud cũng đồng nghĩa với việc quản lý hệ thống phức tạp hơn, vì phải kiểm soát nhiều công cụ và giao thức bảo mật khác nhau. Vì vậy, nhiều nhà cung cấp dịch vụ cung cấp nền tảng kiểm soát Multicloud, cho phép giám sát nhiều nhà cung cấp cloud khác nhau thông qua một dashboard duy nhất.
Các mô hình cung cấp Cloud Computing hiện nay
IaaS (Infrastructure-as-a-Service), PaaS (Platform-as-a-Service) và SaaS (Software-as-a-Service) là ba mô hình dịch vụ cloud phổ biến nhất hiện nay và có rất nhiều tổ chức sử dụng đồng thời cả ba mô hình này. Tuy nhiên, nhiều người dùng, vẫn còn đang nhầm lẫn đặc điểm của ba loại mô hình này. Bạn có thể tham khảo phần dưới đây để hiểu rõ hơn:
SaaS (Software-as-a-Service)
SaaS, còn được gọi là phần mềm dựa trên cloud hoặc ứng dụng cloud, là một dạng phần mềm ứng dụng được lưu trữ trên cloud và cho phép người dùng truy cập và sử dụng thông qua trình duyệt web, một ứng dụng desktop hoặc API tích hợp trong hệ điều hành. Thông thường, người dùng SaaS sẽ trả phí dịch vụ theo chu kỳ hoặc dựa trên mức sử dụng tài nguyên.
SaaS là một giải pháp mang lại nhiều lợi ích về mặt chi phí và có khả năng mở rộng tốt. Ngoài ra, SaaS còn có những đặc điểm đáng chú ý sau:
1. Tự động cập nhật: Người dùng SaaS có thể dễ dàng triển khai các tính năng mới ngay sau khi nhà cung cấp phát hành chúng, mà không cần phải thực hiện các bước nâng cấp cơ sở hạ tầng tại chỗ.
2. Bảo vệ dữ liệu: Dữ liệu ứng dụng được lưu trữ hoàn toàn trên cloud, đảm bảo an toàn và bảo mật tuyệt đối cho dữ liệu của người dùng.
Hiện nay, SaaS là mô hình phân phối chủ yếu cho hầu hết các phần mềm thương mại, với hàng trăm nghìn giải pháp SaaS có sẵn trên thị trường.
PaaS (Platform-as-a-Service)
PaaS cung cấp cho các developer một nền tảng theo yêu cầu (phần cứng, phần mềm, cơ sở hạ tầng, công cụ phát triển,…) để khởi chạy, phát triển và quản lý các ứng dụng với mức chi phí tối thiểu. Trong khi đó, việc quản lý các nền tảng tại chỗ sẽ phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.
Với PaaS, nhà cung cấp dịch vụ cloud sẽ host mọi thứ tại datacenter của mình, trong đó gồm có server, mạng, kho lưu trữ, hệ điều hành (OS), cơ sở dữ liệu,… Các developer chỉ cần chọn những thành phần mình cần cho server và môi trường của mình để bắt đầu việc khởi chạy, xây dựng, kiểm tra, duy trì, cập nhật hay mở rộng các ứng dụng.
Hiện nay, PaaS thường được xây dựng quanh các container – có nhiệm vụ ảo hóa hệ điều hành, cho phép các developer chỉ cần đóng gói ứng dụng của mình trên một hệ điều hành cụ thể. Sau đó, ứng dụng này có thể chạy trên bất kỳ nền tảng nào khác mà không cần có thêm phần mềm trung gian.
IaaS (Infrastructure-as-a-Service)
IaaS cung cấp quyền truy cập dựa theo nhu cầu vào những tài nguyên máy tính cơ bản (server ảo, server vật lý, mạng, kho lữu trữ,…) thông qua Internet.
Thông thường người dùng sẽ trả phí dựa trên lượng tài nguyên mà mình sử dụng. IaaS cho phép người dùng dễ dàng mở rộng và thu nhỏ quy mô tài nguyên bất kỳ lúc nào. Từ đó có thể tiết kiệm được chi phí sử dụng.
Serverless Computing
Serverless computing (điện toán phi máy chủ) là một mô hình Cloud Computing cho phép offload tất cả tác vụ quản lý của cơ sở hạ tầng backend (cung cấp, mở rộng quy mô, lên lịch, vá lỗi,…) đến nhà cung cấp dịch vụ cloud. Khi đó developer có thể được “giải phóng” công việc và tập trung hơn vào chuyên môn của mình.
Hơn nữa, Serverless chỉ chạy code ứng dụng khi được yêu cầu, đồng thời diều chỉnh cơ sở hạ tầng dựa theo số lượng request. Vì vậy người dùng chỉ cần trả phí dịch vụ khi ứng dụng đang chạy.
FaaS, hay Function-as-a-Service thường bị nhầm lẫn với mô hình Serverless. Tuy nhiên thực ra đây chỉ là một phần nằm trong mô hình Serverless. FaaS cho phép các developer thực thi một số phần của mã ứng dụng (gọi là function) dựa theo những event cụ thể.
Mọi thứ khác (phần cứng, hệ điều hành máy ảo, công cụ quản lý phần mềm web server) đều được tự động cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ cloud khi code được thực thi. Sau khi quá trình thực thi hoàn tất, mọi tài nguyên này sẽ không hoạt động nữa, và chi phí sẽ chỉ được tính trong quá trình thực thi này.
Kết luận
Trên đây là những kiến thức về phân loại mô hình điện toán đám mây mà BKNS muốn gửi tới bạn. Hy vọng đến đây bạn đã hiểu được các mô hình cơ bản, đặc điểm ưu nhược điểm của nó.
Theo dõi BKNS thường xuyên hơn để cập nhật thêm các thông tin hữu ích nữa bạn nhé.
>> Tham khảo thêm các bài viết khác:
Google Lens là gì? Cách sử dụng công cụ tìm kiếm ảnh thông minh
Microsoft Edge là gì? Microsoft Edge có những tính năng nổi bật nào?